TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2023 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược này, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Qua một năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án 06 thời gian qua, tiêu biểu là: Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam,… trong đó vai trò của đồng chí Phó Thủ tướng được phân công phụ trách, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác và Bộ phận thường trực Tổ công tác đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt công tác tham mưu, đôn đốc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án, như: (1) Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể thực hiện việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (2) Chưa có cách làm phù hợp, chưa thực sự lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nên dịch vụ công thiết kế chưa thuận lợi; (3) Trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết công việc trên môi trường số của cán bộ, công chức chưa thuần thục để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (4) Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chưa thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Số lượng người dân thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp vẫn cao (chiếm khoảng 70%); (5) Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, còn tình trạng “cát cứ” thông tin, lợi ích ngành, lợi ích cục bộ, nên người dân phải cung cấp lại thông tin và đi lại nhiều lần; (6) Nhiều nơi, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới sáng tạo; việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt; truyền thông cho công tác này chưa được coi trọng, đầu tư thích đáng để góp phần thay đổi hành vi, ý thức của người dân, doanh nghiệp; (7) Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; (8) Một số bộ, ngành, địa phương chưa bố trí kinh phí kịp thời cho việc triển khai Đề án 06;…
Xem và tải toàn văn Chỉ thị TẠI ĐÂY
Công văn số 473/UBND-XD6 ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cứ, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Xem và tải toàn văn Công văn TẠI ĐÂY