Bắt chước là nền tảng của giáo dục và phát triển. Không có bắt chước, trẻ không thể học nói và những hành vi cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Như vậy, phát triển khả năng bắt chước là một yếu tố cơ bản cho sự tăng trưởng của mọi trẻ em, […]
Bắt chước là nền tảng của giáo dục và phát triển. Không có bắt chước, trẻ không thể học nói và những hành vi cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Như vậy, phát triển khả năng bắt chước là một yếu tố cơ bản cho sự tăng trưởng của mọi trẻ em, đặc biệt trẻ tự kỉ. Khả năng bắt chước cơ bản gồm sự lặp lại đơn giản và trực tiếp như luyện âm và vỗ tay, và thường có được ngay khi bắt đầu cuộc sống. Sau đó trẻ có thể bắt chước những hành vi đặc thù phức tạp hơn. Sau đây, chúng tôi giới thiệu một số bài tập nhằm tạo cho trẻ khả năng bắt trước thường từ khi còn rất nhỏ; việc này mang lại lợi ích đặc biệt cho đối với việc học nói của trẻ, đặc biệt trẻ mắc chứng tự kỉ. Ngôn ngữ của trẻ không phát triển hoặc phát triển chậm thường là do khả năng bắt chước của trẻ kém. Vì tiếng nói bao gồm nhiều động tác của môi và lưỡi nên, trước hết chúng ta sẽ cần phải dạy trẻ khả năng vận động chung và vận động tinh tế, theo cách là dạy cho trẻ các thao tác cơ bản của việc bắt chước.
Dưới đây là một số bài tập hướng dẫn trẻ tự kỉ rẻ khả năng ngôn ngữ.
Bài 1: Gõ bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 0 -1 tuổi
Vận động tinh, nắm bắt, 0-1 tuổi
Cảm nhận thj giác, 0-1 tuổi.
Mục đích: Học bắt chước
Mục tiêu: Bắt chước gõ một chiếc thìa
Dụng cụ: Hai chiếc thìa, một cái lọ
Tiến trình:
– Cho trẻ ngồi vào bàn và nắm bắt sự chú ý của trẻ bằng cách đong đưa cái thìa trước mắt trẻ.
– Gõ thìa trên bàn theo một nhịp, tay kia, bạn để thìa trong bàn tay của trẻ.
– Bắt đầu bảo trẻ gõ thìa trên bàn theo nhịp của bàn tay kia của bạn.
– Giảm dần sự giúp đỡ để xem trẻ có tiếp tục gõ không trợ giúp hay không.
– Khi trẻ gõ được một mình trên bàn, bắt đầu cho gõ trên lọ.
– Nhìn xem trẻ có thay đổi với bạn.
– Nếu trẻ không làm, hướng tay trẻ về cái lọ, và tiếp tục cử động của chính bạn.
– Sau một phút, bắt đầu lại gõ trên bàn và lặp lại tiến trình (bàn/lọ) để kéo trẻ thay đổi với bạn.
– Tiếp tục bài tập cho tới khi trẻ có thể bắt chước việc chuyển từ bàn qua lọ, và từ lọ qua bàn không trợ giúp.
Bài 2. Bước đầu bắt chước âm thanh
Bắt chước âm thanh, 0 -1 tuổi.
Kĩ năng bằng lời, luyện âm, 0-1 tuổi
Mục đích: Phát triển việc bắt chước âm thanh
Mục tiêu: Bắt chước một loạt âm đơn
Dụng cụ: Không có
Tiến trình:
– Mỗi lần trẻ tự phát một âm, bắt chước tức khắc âm được phát ra và xem trẻ có phản ứng phát trở lại âm đó không.
– Thử lặp lại luân phiên những âm như trong cuộc đối thoại.
– Nếu trẻ bắt chước âm được bạn phát ra, lặp lại âm đó nhiều lần để xem trẻ có tiếp tục bắt chước không.
– Khi trẻ bắt đầu thích thú cách bắt chước âm, bảo trẻ bắt chước một âm để bắt đầu và sau đó chuyển sang âm khác để xem trẻ có làm theo không.
Bài 3. Nói trước những âm thanh bằng cách bắt chước
Bắt chước âm thanh, 0 -1 tuổi
Kỹ năng bằng lời, luyện âm, 0-1 tuổi
Xã hội hóa, tương tác cá nhân, 0-1 tuổi
Mục đích: Động viên việc bắt chước âm thanh
Mục tiêu: Cho phỏng chừng một âm phối hợp với thói quen thể chất
Dụng cụ: Không có.
Tiến trình:
– Bạn ngồi vào ghế với trẻ.
– Vừa nâng trẻ trên gối bạn 4 lần vừa nói “Bùm bùm bùm bùm”.
– Sau đó đu đưa trẻ về phía sàn nhà và vừa kéo trẻ lại vừa nói “bụp”.
– Lặp lại động tác nhiều lần.
– Ngừng đu đưa, và xem trẻ có phát âm giống như tiếng bụp, để kích thích bạn đu đưa trẻ trên sàn nhà.
– Làm cho trẻ hiểu là trẻ cũng phải phát âm như vậy, bằng cách sờ vào môi của trẻ.
Bài 4. Bắt chước các hoạt động gây tiếng ồn
Bắt chước âm thanh, 0 -1 tuổi
Bắt chước, vận động, 0-1 tuổi
Kĩ năng bằng lời, luyện âm, 0-1 tuổi
Mục đích: Động viên việc bắt chước những âm và tăng sự chú ý thị giác vào hoạt động của người khác.
Mục tiêu: Ghi những âm đơn được phát ra bởi những cử chỉ đơn giản
Dụng cụ: Không có
Tiến trình:
– Chọn một trong những hành động theo danh sách sau.
– Chỉ hành động, và giúp trẻ bắt chước bạn bằng cách hướng dẫn tay trẻ.
– Trẻ càng học phát âm thì ta càng giảm dần sự trợ giúp.
– Lặp lại hành động đầu tiên và âm đầu tiên nhiều lần trước khi chuyển sang âm thứ hai.
Ví dụ:
Để ngón tay lên môi và nói suỵt
Lấy tay vỗ nhẹ miệng của bạn và nói “oa,oa”
Tạo ra một tiếng kêu ở môi bạn như một nụ hôn.
Làm một tiếng động khô bằng cách búng ngón tay trên má bạn.
Bài 5. Sờ những phần trên thân thể bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 1- 2 tuổi
Cảm nhận thị giác, 0-1 tuổi
Phối hợp mắt, bàn tay làm chủ, 0-1 tuổi
Mục đích: Học quan sát một người và bắt chước cử chỉ của người ấy.
Mục tiêu: Sờ ba phần của thân thể bằng cách bắt chước
Dụng cụ: Không có.
Tiến trình:
– Ngồi vào bàn đối diện với trẻ, tạo sự chú ý của trẻ.
– Khi trẻ nhìn, nói với trẻ “Con sờ mũi của con” và bạn sờ mũi của bạn bằng ngón trỏ.
– Nếu trẻ không phản ứng, bàn tay kia của bạn cầm ngón trỏ của trẻ và cho trẻ sờ mũi của trẻ, cùng lúc đó lặp lại “con sờ mũi của con” và bạn tiếp tục sờ chính mũi của bạn.
– Khen và động viên/lặp lại tiến trình cho tới khi trẻ có thể phản ứng không trợ giúp.
– Khi trẻ có khả năng sờ mũi của trẻ ít nhất 9/10 lần theo sau cử chỉ của bạn và lệnh bằng lời, hãy thêm những phần khác của thân thể, từng cái một theo thứ tự: tóc, miệng, mắt, tai.
– Sau khi dạy phần thứ hai của thân thể, hãy đợi cho trẻ trả lời đúng 9/10 lần cho hai phần, trước khi thêm phần thứ ba.
Bài 6. Vỗ tay bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 1- 2 tuổi
Mục đích: Phát triển sự bắt chước cử chỉ người dạy
Mục tiêu: Vỗ tay bằng cách bắt chước người dạy.
Dụng cụ: Không có
Tiến trình:
– Ngồi vào bàn đối diện với trẻ, tạo sự chú ý của trẻ.
– Nói “con hãy nhìn” và bạn vỗ tay chầm chậm
– Rồi bạn cầm hai tay trẻ, vỗ tay cho trẻ và thưởng cho trẻ liền
– Vỗ tay lại và lặp lại những gì đã làm trước (kiểm tra xem trẻ có nhìn bạn khi bạn vỗ tay không)
– Vỗ tay lại và mời trẻ làm giống như thế: nếu trẻ có khuynh hướng bắt chước, hãy giúp trẻ hoàn thành cử chỉ và thưởng cho trẻ.
– Nếu trẻ không hiểu, bạn tiếp tục hướng dẫn bàn tay trẻ.
– Bạn hãy thử bớt dần sự trợ giúp cho tới khi trẻ hiểu và trẻ phải vỗ tay để đạt được phần thưởng khác.
Bài 7. Cử động cánh tay bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 1- 2 tuổi
Kĩ năng nhận thức, ngôn ngữ, thụ cảm, 2-3 tuổi.
Vận động tổng quát, cánh tay, 1-2 tuổi.
Mục đích: Cải tiến việc bắt chước vận động, ý thức thân thể và hiểu “trên” “ngoài” và “dưới”.
Mục tiêu: Bắt chước những hoạt động đơn giản của cánh tay không trợ giúp.
Dụng cụ: Không có.
Tiến trình:
– Vừa đứng đối diện với trẻ, vừa nhìn trẻ và nói: “Con hãy nhìn”
– Bạn đặt cánh tay trên đầu và nói “đưa tay lên”.
– Nếu trẻ không phản ứng, bạn đặt cánh tay của trẻ trên đầu, bạn giữ chúng trong vòng một phút và lặp lại “đưa tay lên”.
– Bạn đặt cánh tay trên đầu bạn trong khi trẻ cũng làm như vậy. Bạn lặp lại “đưa tay lên”.
– Bạn vừa thả cánh tay của bạn xuống, để dọc theo thân vừa nói “bỏ tay xuống”.
– Sau đó dang hai cánh tay của bạn ở hai bên thân và nói “dang tay ra”.
– Khi trẻ bắt chước bạn không trợ giúp, thỉnh thoảng di chuyển cánh tay của bạn mà không ra lệnh bằng lời, hoặc cho lệnh bằng lời mà không làm cử chỉ.
Bài 8. Bắt chước cách sử dụng những đồ vật gây tiếng động.
Bắt chước, vận động, 1 – 2 tuổi
Vận động tinh, thao tác, 1-2 tuổi.
Mục đích: Cải thiện sự chú ý trong việc sử dụng các vật dụng.
Mục tiêu: Bắt chước cách sử dụng 3 vật dụng gây tiếng động một cách phù hợp.
Hinh 1.1 – Bắt chước đồ vật tạo âm thanh: chuông, còi, đồ chơi bóp
Dụng cụ: 2 đồ chơi bóp ra tiếng kêu, 2 cái chuông nhỏ, 2 cái còi, 1 hộp cỡ vừa.
Tiến trình:
– Bạn ngồi vào bàn đối diện trẻ cách xa với đồ vật gây tiếng động.
– Cầm nhóm đồ vật gây tiếng động đầu tiên, đặt một cái trước mặt trẻ và một cái trước mặt bạn.
– Bạn nói “Con hãy nhìn” (kiểm tra xem trẻ có nhìn bạn không) và làm cử chỉ thích hợp với đồ vật (ví dụ: bóp đồ vật/thổi còi)
– Tiếp tục sử dụng đồ vật gây tiếng động và tay kia giúp trẻ làm giống như vậy.
– Lặp lại cử động với đồ vật của bạn và nói “bây giờ đến lượt con”
– Nếu trẻ thử bắt chước, hãy thưởng cho trẻ liền và đặt 2 đồ vật vào hộp “đã làm xong”.
– Lặp lại như vậy với những đồ vật khác (chú ý đến việc trẻ sử dụng đồ vật một cách thích hợp, nếu không, phải sửa trẻ)
Bài 9. Những bài tập về môi bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 1 – 2 tuổi
Mục đích: Phát triển khả năng vận động miệng cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ.
Mục tiêu: Thực hành một loạt cử động môi bằng cách bắt chước người dạy.
Dụng cụ: Gương (không bắt buộc).
Tiến trình:
– Bạn ngồi đối diện với trẻ và đảm bảo trẻ nhìn bạn. Làm những cử động sau và bảo trẻ bắt chước.
- a) Bặm môi và sau đó mở ra.
- b) Chu môi
- c) Chu môi và sau đó toét miệng cười
- d) Cọ xát môi dưới vào môi trên.
- e) Cọ xát môi trên vào môi dưới.
– Khi trẻ bắt chước tốt, thưởng trẻ nước uống được ưa thích với ống hút để động viên cách sử dụng môi tốt hơn. Nếu trẻ có khó khăn nhìn bạn đối diện, bạn ngồi cạnh trẻ để trẻ có thể thấy mặt của bạn và mặt của trẻ trong gương.
Bài 10. Vẽ nguệch ngoạc bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 1- 2 tuổi
Phối hợp mắt, bài tay, hình vẽ, 1-2 tuổi.
Vận động tinh, thao tác, 1-2 tuổi.
Mục đích: Cải thiện việc bắt chước cách sử dụng những vật dụng và phát triển khả năng cơ bản hình vẽ bằng bút chì bột màu.
Mục tiêu: Vẽ nguệch ngoạc trong vòng 2-3 giây trên một tờ giấy lớn.
Dụng cụ: Viết chì bột màu lớn, giấy.
Tiến trình:
– Bạn ngồi vào bàn đối diện với trẻ, đặt 1 cây viết chì bột màu trước mặt trẻ và bạn giữ lại cho bạn một cây.
– Đặt một tờ giấy lên bàn, giữa bạn và trẻ, sao cho cả 2 cùng dễ với tới tờ giấy.
– Bạn dùng viết chì của bạn, vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy 2-3 giây, sau đó đặt vào tay trẻ cây viết chì và giúp trẻ vẽ nguệch ngoạc vài giây.
– Thưởng trẻ và đặt một tờ giấy mới lên bàn.
– Lặp lại tiến trình bằng cách lần này thử bảo trẻ vẽ nguệch ngoạc không có sự trợ giúp của bạn.
– Nếu trẻ không bắt đầu bắt chước, bạn lại cầm tay trẻ để trẻ bắt đầu.
– Khi trẻ bắt đầu bắt chước, bạn đa dạng hóa nét vẽ của bạn: hình tròn, những chấm, đường ngang. Sau khi bạn vẽ, trẻ phải bắt chước những nét vẽ khác nhau của bạn.
Bài 11. Bắt chước những cử chỉ hàng ngày về tự lập
Bắt chước, vận động, 1 – 2 tuổi
Tự lập, tự rủa, 2-3 tuổi.
Mục đích: Cải thiện kỹ năng bắt chước vận động và bắt đầu dạy kỹ năng thường ngày tự lập.
Mục tiêu: Bắt chước thành công 3 cử chỉ thường ngày để tự lập.
Dụng cụ: Lược, găng tắm, bàn chải đánh răng.
Tiến trình:
– Bạn ngồi vào bàn đối diện với trẻ; lược, găng tắm, bàn chải đánh răng được đặt cạnh bên để trẻ có thể thấy được bao nhiêu động tác trẻ phải thực hiện.
– Cầm lược bạn nói “chải đầu” và bạn đưa nhẹ lược vào tóc của bạn.
– Đặt lược vào tay trẻ và giúp trẻ đưa nhẹ lược vào tóc của trẻ sau đó đặt lược trước mặt trẻ và bạn làm động tác chải tóc và nói “con chải đầu”. Nếu trẻ lấy lược và thử bắt chước, bạn thưởng trẻ liền. Nếu trẻ không bắt chước, bạn lại giúp trẻ và hướng dẫn trẻ làm động tác một cách độc lập.
– Lặp lại tiến trình này cho tới khi trẻ bắt chước bạn không trợ giúp.
– Lặp lại cùng tiến trình như vậy với găng tắm (bằng cách nói “con lau mặt đi”) và với bàn chải đánh răng (bằng cách nói “con đánh răng đi”). Bạn đừng bận tâm đến việc xem trẻ có làm được hành động tự lập; mục đích chính của bài tập là giúp trẻ sao chép lại cử chỉ. Ví dụ, bạn đừng bận tâm đến việc sử dụng kem đánh răng trên bàn chải hay việc đánh răng thật, bạn chỉ quan tâm đến động tác đánh răng.
Bài 12. Cầm nắm đồ vật trong túi bằng cách bắt chước
Bắt chước, vận động, 1- 2 tuổi
Mục đích: Cải thiện sự chú ý trong việc người dạy sử dụng các vật dụng.
Mục tiêu: Bắt chước chính xác cách sử dụng 5 đồ vật mà trẻ biết.
Dụng cụ: Chén hoặc túi, 5 đồ vật ở nhà hoặc đồ chơi thông thường (ví dụ miếng xốp, bóng, xe, tách, bàn chải tóc).
Tiến trình:
– Đặt 5 đồ vật trong một cái tô hoặc trong một cái túi (nếu trẻ không chú ý thì nên sử dụng cái tô hơn là cái túi vì như thế trẻ thấy được trẻ làm bao nhiêu lần trước khi bài tập kết thúc).
– Chọn 1 đồ vật trong tô, kiểm tra xem trẻ có quan sát bạn không và sử dụng đồ vật ấy một cách phù hợp. (Ví dụ cho trái bóng tưng lên, đẩy xe chạy, v,v…). Sau đó đưa đồ vật cho trẻ và làm cho trẻ hiểu trẻ phải lặp lại hành động đó. Chỉ giúp trẻ khi trẻ cần.
– Khi trẻ bắt chước cử chỉ thành công, bạn để đồ vật thứ nhất qua một bên và chọn một cái khác trong tô.
– Lặp lại tiến trình này cho tới khi không còn gì trong tô hoặc túi.
Trên đây là một số bài tập bắt chước dành cho trẻ tự kỉ. Việc bắt chước bao gồm nhiều yếu tố, trong số đó có sự hứng thú, trí nhớ, hoạt động giác quan và sự kiểm soát một loạt cơ vận động cũng như sự phối hợp miệng và bàn tay. Bắt chước có thể là ngay lập tức như khi trẻ sao chép một từ được nói với trẻ. Bắt chước có thể đến sau, như khi ta bắt chước một hành vi mà ta nhớ qua kinh nghiệm. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn khi chọn lọc một hành vi mà trẻ nhớ lại, trẻ chỉ bắt chước trong tình huống được xác định. Do đó, người lớn/ giáo viên dạy trẻ cần chú trọng dạy trẻ các hoạt động bắt chước để trẻ được “nói”, được hòa nhập với thế giới bên ngoài, giúp trẻ được về đúng tuổi thơ mà trẻ đáng được hưởng.
Th.S Nguyễn Minh Huệ
Khoa Sư phạm Mầm non